"Bản gốc của tác phẩm" được hiểu là dạng hay hình thức vật chất mà trên đó kết tinh lao động sáng tạo trong việc thể hiện tác phẩm của tác giả, được định hình lần đầu tiên. Khái niệm bản gốc của tác phẩm dễ bị nhầm lẫn với dạng phi vật chất của tác phẩm gốc hay tính gốc của tác phẩm, trong trường hợp mang ra so sánh đối chiếu với tác phẩm đạo văn hoặc tác phẩm phái sinh. Do vậy, cần lưu ý phân biệt giữa bản gốc của tác phẩm với tính gốc hay nguyên thuỷ của tác phẩm. Tính gốc, tính nguyên thuỷ của tác phẩm tồn tại độc lập với dạng vật chất thể hiện tác phẩm.
Đối với tác phẩm viết, bản gốc là bản thảo viết tay hoặc trên máy tính. Đối với tác phẩm mỹ thuật, chủ yếu về hội hoạ và điêu khắc thì, quyền tác giả đối với bản gốc được mở rộng hơn về quyền triển lãm, bán bản gốc tác phẩm. Pháp luật về quyền tác giả của một số nước còn có quy định quyền được hưởng phần lợi nhuận chênh lệch từ việc bán bản gốc tác phẩm - "droit de suite". Quyền sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm còn bao gồm quyền sở hữu động sản đối với bản gốc. Việc bán bản gốc không nhất thiết có nghĩa là cho phép sao chép, trình diễn, v.v… Việc chuyển quyền sử dụng, cấp giấy phép sử dụng tác phẩm không nhất thiết phải bao hàm việc chuyển giao quyền sở hữu đối với bản gốc tác phẩm. Một số luật quyền tác giả chứa đựng các quy định đặc biệt về quyền này, bao gồm: Brazin, Pháp, ấn Độ, ả rập, Li Bi, Philliphin, Liên hiệp Vương quốc Anh, Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, v.v...
Theo Luật Sở hữu Trí tuệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của Việt Nam, bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.
Cơ sở pháp lý:
Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam 2005, Điều 20, 29, 30
Luật mẫu Tunis, Điều 1(1)
WHY US - VÌ SAO NÊN CHỌN CHÚNG TÔI?