Theo ước tính của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hàng năm có khoảng 650 tỉ USD hàng hóa giả mạo, trong đó khoảng 75 tỉ USD thuốc giả được bán trực tuyến thông qua mạng Internet trên toàn cầu, con số này tăng đến 90% kể từ năm 2005 đến nay.
Bùng nổ vi phạm SHTT trên toàn thế giới
Tại buổi tọa đàm kỉ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới do Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO), Hội Luật SHTT Mỹ (AIPLA) và Hội SHTT – TP.HCM (IPA HCMC) kết hợp tổ chức, Peter N.Fowler chuyên gia kinh tế, Tùy viên SHTT Mỹ tại khu vực Đông Nam Á đã đưa ra những số liệu “kinh hoàng” trên và cho biết, thương mại điện tử đã vượt quá 1 ngàn tỉ USD trong năm 2012 và có khả năng lên tới 1,3 ngàn tỉ USD trong năm 2013.
Cũng theo chuyên gia này, sự phát triển của internet có thể xem như hành động tiếp nhiên liệu cho bùng nổ vi phạm giả mạo trực tuyến thông qua hoạt động trang web tại các quốc gia và vùng lãnh thổ không có chế độ pháp lí đầy đủ.
Minh họa cho những số liệu trên, Peter N.Fowler nói, các nhà quan sát thừa nhận rằng những hành động bất hợp pháp này làm tổn thương đến những nỗ lực thương mại hợp pháp và kinh tế, với ước tính hàng năm khoảng 53 tỉ lượt người trên thế giới đã truy cập vào những website giả mạo này …
Việt Nam phát hiện trên 200.000 vụ vi phạm
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT tại Việt Nam cho biết, hàng lậu, hàng xâm phạm SHTT không chỉ tồn tại ngoài thị trường mà còn phát triển chóng mặt qua mạng internet khiến nhiều cơ quan chức năng khó kiểm soát! Việc kinh doanh hàng hoá trực tuyến không chỉ gây thất thoát một khoản thuế không nhỏ cho ngân sách Nhà nước mà còn làm cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có thêm được môi trường để phát triển.
Mới đây, đại diện hãng mĩ phẩm L’OREAL (Pháp) công bố có đến 85% sản phẩm của hãng này tồn tại trên thị trường Việt Nam là hàng giả và cảnh báo người tiêu dùng 100% sản phẩm bán qua mạng internet đều là hàng hóa “không chính hãng”!
Tình hình hàng lậu, hàng giả và xâm phạm SHTT ở Việt Nam cũng không thua kém các nước khác trên thế giới. Một số số liệu được công bố khiến nhiều người không khỏi “giật mình” khi cho biết năm 2012 vừa qua, các lực lượng Quản lí thị trường (QLTT), bộ đội biên phòng, công an, hải quan, kiểm lâm, Chi cục thuế, cảnh sát biển, cục Bảo vệ thực vật, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông…đã xử lí trên 200.000 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt lên đến hơn 10.000 tỉ đồng.
Dù vậy, Bộ Công Thương cho biết, vấn đề gian lận thương mại vẫn còn nhiều tồn tại, đặc biệt là những gian lận thương mại trên internet.
Bài toán chưa được giải
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, việc bảo vệ quyền SHTT ở Việt Nam đang là bài toán nan giải, khó tìm ra đáp án.
Một cán bộ Cục SHTT nhận xét, hiện nay hầu hết hàng hóa lưu thông trên thị trường điều có hàng giả, hàng nhái, trong đó nhiều sản phẩm gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm, rượu…
Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Minh Dũng cho biết, không giống các vi phạm thông thường, vi phạm về quyền SHTT rất “khó giải quyết”. Hành vi xâm phạm SHTT chỉ được xử lí khi có đơn kiến nghị của chủ thể quyền. Rất nhiều trường hợp vi phạm song chủ thể quyền không kiến nghị, hợp tác với cơ quan chức năng thì không thể xử lí. “Việc xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực SHTT cũng rất khó, bởi đây là lĩnh vực còn mới mẽ ở Việt Nam, đòi hỏi tính chuyên môn cao. Muốn kết luận hành vi đó vi phạm quyền SHTT hay không phải căn cứ vào ý kiến chuyên môn của Cục SHTT và kết quả giám định ở Viện Khoa học SHTT. Trong năm 2012 Thanh tra Bộ KH&CN đã tiến hành thanh tra 38 vụ liên quan đến vi phạm quyền SHTT, song chỉ có 20 vụ được xử lí, số còn lại không đủ căn cứ để xử lý” - ông Trần Minh Dũng chia sẻ.
Theo Nhà Báo & Công Luận