Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phan Đình Phương nhập quân ngũ năm 1972. Ngay nơi chiến trường ác liệt, ông đã cùng đồng đội chế tạo thành công thiết bị thay thế nhiên liệu để tận dụng chiếc máy bay mà quân ta bắn rơi.
Sáng chế đầu tiên đầy tự hào như là một dấu hiệu cho việc bắt đầu con đường sáng tạo của ông Phương. Đến năm 1976 ra quân, ông Phương về làm việc tại Nhà máy dưỡng khí Đà Nẵng. Sáu năm sau, ông về làm trong ngành xăng dầu. Kể từ đó, ông Phương chính thức bước vào con đường của một nhà sáng chế. May mắn là ông có người chia sẻ chí hướng sáng tạo, đó chính là người con trai của ông, anh Phan Trọng Nghĩa.
Khi thấy những người công nhân phải vất vả trong việc thu gom rác. "Nhất là, một hôm khi vào bệnh viện, thấy các cô tạp vụ quét gầm giường và lau đờm dãi của bệnh nhân... Tôi vụt nghĩ ra một biến thể của máy: Nó có thể vừa quét vừa lau nhà, thay thế công việc nặng nhọc và giảm nguy cơ nhiễm trùng của các cô", ông Phương chia sẻ.
Máy mô phỏng tối đa từ động tác quét rác của công nhân đến việc nâng rác từ dưới ổ gà lên hay thổi rác từ bệ đường ra để hút... Sau đó, nó sẽ đổ rác vào thùng thu gom đặt bên vệ đường theo hướng trước mặt nên công nhân không phải xoay người quan sát. Hơn thế, máy có công suất 7 kW, tiêu thụ ít nhiên liệu, lại rất gọn nhẹ để lên quét trên vỉa hè. Sáng chế này sẽ giúp giảm thời gian thu gom rác, tiết kiệm sức lao động cho công nhân.
Chiếc máy này là sản phẩm mà hai cha con ông Phương bắt tay "hợp tác" sáng chế. Ngoài ra, ông Phương còn nhiều sản phẩm khác của hơn 30 công trình, sáng chế khoa học được ứng dụng trong nhiều ngành. Điển hình là thiết bị thu hồi hơi xăng, cho phép thu lại phần xăng nhẹ thất thoát do bay hơi và làm sạch môi trường, giảm nguy cơ cháy nổ kho tàng và độc hại cho công nhân; thu gom khí gas, xăng hoá lỏng, giải pháp phòng cháy tự động an toàn…
Thành công vang dội
Hầu hết các thiết bị của Phan Đình Phương và con trai sáng chế đều tự động, nhưng không dùng điện. Nhưng có lẽ cha con ông Phương được giới khoa học chú ý từ sau sáng chế máy chữa cháy tự động dùng C02 đẩy các chất dập lửa.
Ngược lại thời gian khi ông Phương công tác trong ngành dầu khí, ông Phương luôn bị ám ảnh bởi những đám cháy. Ông nói: "Khi xảy ra cháy, lửa có thể thiêu rụi tài sản, con người trong thời gian ngắn. Vì vậy, phải dập tắt nó bằng giải pháp nhanh nhất, mạnh nhất thì mới hiệu quả".
Từ những nỗi niềm trong công việc, ông Phương đã mất gần 10 năm mày mò máy chữa cháy đa năng để dập đám cháy ngay lập tức khi nhận tín hiệu báo cháy. Ngoài ra còn có khả năng lựa chọn chất chữa cháy thích hợp để phun cho từng đối tượng.
Điều đặc biệt của máy chữa cháy là khả năng dập nhanh đám cháy xăng bằng giải pháp dùng khí CO2 đẩy hơi nước, đẩy bọt, bột chữa cháy... Đến năm 2005, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ đã cấp bằng độc quyền sáng chế cho máy chữa cháy tự động đa năng của ông Phương. Vinh dự hơn: "Hiệp hội Phòng cháy - chữa cháy Hoa Kỳ phá lệ, kết nạp tôi (người nước ngoài đầu tiên) thành hội viên với nhiều quyền lợi đặc cách", ông Phương vui vẻ chia sẻ.