Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ đề cập đến 33 Điều của Luật hiện hành, với những nội dung chủ yếu sau đây:
v Các quy định chung
Về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ được bổ sung thẩm quyền ban hành quy định về giới hạn quyền đối với sáng chế thuộc bí mật nhà nước (khoản 3 Điều 7).
Về chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ, mục tiêu đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế được đặt ra với chính sách huy động các nguồn lực của xã hội(khoản 5 Điều 8).
Về quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục giữ thẩm quyền quản lý lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan của Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây (các khoản 2, 3 và 5 Điều 11, điểm a khoản 2 Điều 50, khoản 4 Điều 51).
v Quyền tác giả và quyền liên quan
Về việc sử dụng tác phẩm, đối tượng quyền liên quan đã công bố không phải xin phép, mức nhuận bút, thù lao phải trả được phân biệt theo tính chất sử dụng: (i) trường hợpsử dụng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất cứ hình thức nào thìphải trả tiền nhuận bút, thù lao kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ và (ii)trường hợp ngược lại thì mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án (khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33).
Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh được kéo dài thành bảy mươi lăm năm kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên, hoặc một trăm năm kể từ khi tác phẩm được định hình nếu hết thời hạn hai mươi lăm năm kể từ khi tác phẩm được định hình mà tác phẩmvẫn chưa được công bố (điểm a khoản 2 Điều 27); Đồng thời, tác phẩm sân khấu được xóa bỏ khỏi quy định nêu trên để chuyển sang áp dụng thời hạn bảo hộ tính theo đời người (điểm b khoản 2 Điều 27).
Về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quyền nhập khẩu bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình được bổ sung (điểm b khoản 1 Điều 30).
Về quyền tác giả đối với tác phẩm khuyết danh, nguyên tắc về chủ thể được hưởng quyền và chủ thể nắm quyền sở hữu được làm rõ, cụ thể là, cho đến khi danh tính của tác giả được xác định, tổ chức, cá nhân đang quản lý tác phẩm khuyết danh được hưởng quyền của chủ sở hữu (khoản 2 Điều 41), nếu không có người quản lý như vậy thì Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 1 Điều 42).
v Quyền sở hữu công nghiệp
Việc đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam được quản lý bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức cho phép đăng ký (khoản 3 và khoản 4 Điều 87).
Về nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, quy định chỉ cấp một văn bằng bảo hộ duy nhất được bổ sung trường hợp có nhiều đơn đăng ký các sáng chế trùng hoặc tương đương với nhau, các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau và trường hợp có nhiều đơn của cùng một người đăng ký các nhãn hiệu trùng dùng cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau (khoản 1 và khoản 2 Điều 90).
Về thời hạn thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, thời hạn thẩm định nội dung được kéo giãn đối với một số loại đơn, cụ thể là đối với sáng chế không quá mười tám tháng, đối với nhãn hiệu không quá chín tháng và đối với kiểu dáng công nghiệp không quá bảy tháng (khoản 2 Điều 119); Đồng thời, thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với tất cả các loại đơn được ấn định không vượt quá một phần ba thời hạn thẩm định tương ứng (khoản 4 Điều 119).
Về quyền sử dụng trước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thời điểm phát sinh quyền được điều chỉnh thành thời điểm bắt đầu sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp (khoản 1 Điều 134).
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đối với tổ chức,danh mục các loại hình tổ chức được kinh doanh dịch vụ này được bổ sung hợp tác xã, đồng thời loại trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam (khoản 1 Điều 154).
v Quyền đối với giống cây trồng
Đối tượng của quyền đối với giống cây trồng được điều chỉnh thành vật liệu nhân giống và vật liệu thu hoạch (khoản 3 Điều 3) và định nghĩa các khái niệm đó được bổ sung (khoản 26 và khoản 27 Điều 4).
Về chủ thể được hưởng sự bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân nước ngoài có địa chỉ thường trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại nước có ký kết với Việt Nam thoả thuận về bảo hộ giống cây trồng được bổ sung (khoản 2 Điều 157).
Về đăng ký quyền đối với giống cây trồng, quy định cụ thể về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân hoạt động đại diện quyền đối với giống cây trồng được bổ sung (khoản 2 Điều 165), tương tự như quy định về điều kiện hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp.
Về quyền của chủ bằng bảo hộ, phạm vi áp dụng được mở rộng sang cả vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện (khoản 2 Điều 186).
Về chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng, đối với giống cây trồng tạo ra từ ngân sách nhà nước, nguyên tắc áp dụng quy định của Luật chuyển giao công nghệ được bổ sung (khoản 4 Điều 194).
v Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Về hoạt động giám định sở hữu trí tuệ, quy định về điều kiện hoạt động đối với tổ chức, cá nhân được bổ sung theo nguyên tắc hoạt động giám định sở hữu trí tuệ là hoạt động có chứng chỉ hành nghề (Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ).
Cá nhân được cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ nếu đáp ứng các điều kiện:(i) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Thường trú tại Việt Nam; (iii) Có phẩm chất đạo đức tốt; Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định (khoản 3 Điều 201).
Tổ chức được hoạt động giám định sở hữu trí tuệ nếu đáp ứng các điều kiện:(i) Là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, đơn vị sự nghiệp, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam; (ii) Có nhân lực, cơ sở vật chất- kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật; (iii)Có chức năng thực hiện hoạt động giám định sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;(iv) Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
Về các loại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt hành chính, hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu (điểm a khoản 1 Điều 211) được bổ sung để thay thế hành vi không chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mặc dù đã được chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi đó (điểm b khoản 1 Điều 211).
Về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả, quy định về mức phạt tiền ít nhất bằng giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được (khoản 4 Điều 214) được thay thế bằng mức phạt do Chính phủ quy định phù hợp với pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (tối đa là 500 triệu đồng).
Về thủ tục áp dụng biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan, mốc tính thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan được điều chỉnh thành ngày người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan nhận được thông báo của cơ quan hải quan về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan (khoản 2 Điều 218).
v Điều khoản thi hành
Về điều khoản chuyển tiếp, nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với quyền sở hữu công nghiệp được xác lập theo pháp luật có hiệu lực trước khi có Luật sở hữu trí tuệ được làm rõ. Cụ thể là Luật sở hữu trí tuệ được áp dụng đối với quyền và nghĩa vụ theo văn bằng bảo hộ cũng như các thủ tục liên quan đến văn bằng bảo hộ đó; Riêng việc huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ thì chỉ căn cứ vào quy định pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ; Đồng thời các nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với Quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa ban hành theo pháp luật có hiệu lực trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ.